Mọc Răng Khôn – Nên Và Không Nên Làm Gì?

Mọc Răng Khôn – Nên Và Không Nên Làm Gì?

Răng khôn mọc gây nhiều đau đớn và khó chịu. Vì răng khôn trồi từng tí một nên giai đoạn mọc răng thường kéo dài và không phải lúc nào bạn cũng bị đau vì mọc răng khôn.

Tuy nhiên, cơn đau khi mọc răng khôn có thể kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khoẻ của bạn. Thực hiện những cách đơn giản trong ăn uống cũng có thể giúp giảm đau khi mọc răng khôn đấy.

Những khó khăn gặp phải khi mọc răng khôn

Khi răng khôn bắt đầu mọc, tình trạng sưng tấy và đau nhức là không thể tránh khỏi, có thể kể đến như

  • Lợi sưng và đau nhức, bị mưng mủ, thậm chí chảy máu
  • Hơi thở khó chịu
  • Hàm cứng, khó cử động hàm gây trở ngại trong ăn uống
  • Bị lợi trùm
  • Nhiễm trùng
  • Nguy cơ bị u nang xương hàm
  • Răng khôn mọc ngầm ảnh hưởng đến xương hàm
  • Răng khôn chèn lên răng số 7, khiến răng hàm này bị xô lệch, lung lay, thậm chí bị rụng

Ngoài ba trường hợp đầu, những trường hợp còn lại có thể gọi là biến chứng do răng khôn mọc lệch, cần được nha sĩ thăm khám để xử lý kịp thời.

Nên ăn gì khi mọc răng khôn?

Khi răng khôn mọc, phần nướu quanh răng sẽ bị sưng và tấy đỏ, không chỉ đau đớn mà còn khiến bạn giảm khả năng nhai. Do vậy, bạn chỉ nên lựa chọn những thức ăn mềm và dễ tiêu hoá như súp, cháo, thức ăn bằm nhỏ.. hoặc uống sữa để bổ sung năng lượng. Với những loại thực phẩm giàu protein cần thiết hằng ngày, bạn vẫn có thể hấp thu bình thường với điều kiện chế biến nhỏ để dễ ăn. Cách đơn giản nhất là nấu súp hoặc cháo với các loại tôm/ thịt/ cá đã được xay nhuyễn.

Trong những ngày này bạn có thể gặp phải tình trạng biếng hoặc chán ăn, cần chú ý bổ sung thêm vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể qua nước ép, sinh tố,…

Bạn cũng nên ăn những loại hoa quả giúp hạ nhiệt cơ thể. Sau khi ăn bạn cũng nên nhớ súc miệng bằng nước ấm để làm sạch khoang miệng.

Không nên ăn gì khi mọc răng khôn?

Bên cạnh những loại thực phẩm cần bổ sung trong giai đoạn này, cũng có những thực phẩm mà bạn nên tránh, bao gồm:

  • Thức ăn cay, nóng, chua hoặc gia vị quá mạnh
  • Thức ăn không tốt cho tình trạng sưng tấy như nếp, gà, rau muống,..
  • Đồ uống có cồn, có gas, có chứa chất kích thích như trà, cà phê,…
  • Hạn chế đồ ngọt, thực phẩm dễ gây giắt răng
  • Không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh

Nếu bạn bị đau nhức kéo dài và không chịu được, có thể đến gặp nha sĩ để được tư vấn và được kê thuốc giảm đau.

Cách chăm sóc răng miệng khi mọc răng khôn

Ngoài những lưu ý trong lúc ăn uống, áp dụng đúng phương pháp chăm sóc răng miệng cũng giúp bạn cải thiện tình trạng đau nhức và sưng tấy trong quá trình răng khôn mọc nữa đấy.

  • Đánh răng đều đặn sau khi ăn với kem đánh răng có chứa flour
  • Sử dụng bàn chải mềm và thay bàn chải sau mỗi 3-4 tháng hoặc khi thấy bàn chải đã cũ, lông bàn chải không còn mềm mại
  • Đánh răng đúng cách, chải răng nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương đến khu vực mọc răng khôn. Thường bạn nên đánh răng khoảng 30-60 phút sau khi ăn.
  • Dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn để loại bỏ mảng bám và thức ăn còn sót lại ở kẽ răng
  • Súc miệng sau khi đánh răng. Khi răng sưng và có dấu hiệu mưng mủ, lở, bạn lưu ý chỉ nên súc miệng bằng nước ấm.

Lưu ý: Khi tình trạng mọc răng khôn có chuyển biến xấu (đau dữ dội, sưng tấy nặng,…) thì bạn phải gặp nha sĩ ngay để được thăm khám. Nhiều trường hợp răng khôn mọc lệch có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hại. Các bác sĩ khuyến cáo nếu quá đau đớn bạn phải nhổ răng khôn để đảm bảo sức khỏe.

Tình trạng đau nhức khi mọc răng khôn là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trang bị đầy đủ kiến thức để tự bảo vệ và chăm sóc bản thân sẽ vẫn giúp bạn giảm phần nào cơn đau đấy.