Bệnh nha chu, bao gồm Viêm nướu và Viêm nha chu là các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, nếu không điều trị có thể dẫn tới mất răng.
Bệnh nha chu có thể ảnh hưởng tới 1 hoặc nhiều răng. Nguyên nhân chính của bệnh nha chu là mảng bám vi khuẩn, một màng phim không màu bám dính vào răng. Tuy nhiên, những yếu tố khác được liệt kê dưới đây cũng ảnh hưởng đến tình trạng lành mạnh của nướu – mô nha chu.
1. Hút thuốc lá
Chắc bạn đã biết rằng, hút thuốc liên hệ với nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư, bệnh phổi và bệnh tim mạch cũng như một số vấn đề sức khỏe khác. Điều bạn có thể chưa biết là, người hút thuốc lá có nguy cơ cao đối với bệnh nha chu. Thực ra, những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng nhất trong sự thành lập và phát triển của bệnh nha chu.
2. Di truyền
Nghiên cứu đã chứng minh rằng khoảng 30% dân số có đặc điểm di truyền nhạy cảm với bệnh nha chu. Mặc dù vệ sinh răng miệng rất tốt, những người này có khả năng bị bệnh nha chu cao hơn 6 lần so với người bình thường. Nếu được phát hiện sớm trước khi có dấu hiệu bệnh bằng các xét nghiệm di truyền và can thiệp điều trị sớm, những người này có thể giữ răng lành mạnh suốt đời.
3. Dậy thì, mang thai và mãn kinh
Ngoài việc thực hiện những biện pháp vệ sinh răng miệng và tái khám định kì thông thường, phụ nữ có 1 số thời điểm nhất định trong cuộc đời cần được chăm sóc sức khỏe răng miệng đặc biệt hơn đó là thời điểm trưởng thành có những thay đổi như dậy thì, thời gian có kinh nguyệt, mang thai hoặc mãn kinh. Vào những thời điểm này, cơ thể phụ nữ trải qua một sự thay đổi kích thích tố, ảnh hưởng tới nhiều mô trong cơ thể, bao gồm nướu. Nướu trở nên nhạy cảm hay có khi phản ứng mạnh đối với sự thay đổi kích thích tố nên răng nhạy cảm với bệnh nha chu hơn. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, phụ nữ mang thai bị bệnh nha chu có khả năng sinh con thiếu tháng, nhẹ cân cao hơn 7 lần.
4. Stress
Stress liên quan một số bệnh nguy hiểm như cao huyết áp, ung thư và 1 số vấn đề sức khỏe khác. Điều có thể bạn chưa biết là, stress cũng là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh nha chu. Nghiên cứu đã chứng minh, stress khiến cho cơ thể gặp khó khăn chống lại nhiễm trùng, bao gồm cả bệnh nha chu.
5. Sử dụng thuốc
Một số thuốc, như thuốc ngừa thai dạng uống, thuốc chống trầm cảm và một vài loại thuốc tim mạch có thể ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng. Bạn phải thông báo cho nha sĩ về loại thuốc bạn đang sử dụng và tình trạng sức khỏe tổng quát giống như bạn thông báo với dược sĩ hay các bác sĩ chuyên khoa khác khi đi mua thuốc hay khám bệnh.
6. Cắn chặt răng hay Nghiến răng
Có ai nói bạn nghiến răng vào ban đêm? Bạn có bị mỏi hàm do cắn chặt răng khi thi cử hay phải giải quyết vấn đề công việc. Khi nghiến răng hay cắn chặt răng, bạn đã tạo một lực quá mức lên cấu trúc nâng đỡ răng và có thể đẩy nhanh quá trình phá hủy mô nha chu.
7. Tiểu đường
Tiểu đường là bệnh gây nên sự thay đổi nồng độ đường trong máu. Bệnh tiểu đường phát triển do sự thiếu hụt sản xuất insulin (là thành phần kích thích tố then chốt của cơ thể trong sử dụng đường huyết) hay do cơ thể không có khả năng sử dụng insulin một cách chính xác. Theo Hội Tiểu Đường Hoa Kỳ, có khoảng 16 triệu người Mỹ bị bệnh tiểu đường, tuy vậy hơn một nửa không biết mình bị bệnh. Nếu bạn bị tiểu đường, bạn có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cao, kể cả bệnh nha chu. Những bệnh lý nhiễm trùng này làm hư hại khả năng chuyển hóa hay sử dụng insulin làm cho bệnh tiểu đường càng khó kiểm soát và bệnh lý nhiễm trùng cũng trầm trọng hơn so với những người không bị tiểu đường.
8. Các bệnh hệ thống khác
Các bệnh ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch của cơ thể (HIV,các bệnh sử dụng thuốc ức chế hệ miễn dịch) có thể làm xấu tình trạng bệnh nha chu hơn.
9. Dinh dưỡng kém và béo phì
Chắc bạn đã biết, chế độ dinh dưỡng kém ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch của cơ thể và gây khó khăn trong việc đề kháng với nhiễm trùng. Bởi vì bệnh nha chu là 1 loại nhiễm trùng nguy hiểm, kém dinh dưỡng làm xấu đi tình trạng bệnh nha chu của bạn.